Sự phát triển mạnh mẽ của Vietjet Air là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam. Tuy nhiên, không phải hãng hàng không Việt Nam nào cũng có thể đạt được như những thành tựu đó. Có một số đã phải từ bỏ “giấc mơ bay” của mình và ngập trong nợ nần.
Indochina Airlines
Là hãng hàng không tư nhân thứ hai của Việt Nam sau Vietjet Air được cấp phép và là hãng đầu tiên đi vào hoạt động chính thức, Indochina Airlines mang theo ước mơ về một thị trường hàng không Việt Nam đa dạng lựa chọn.
Vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, và đội bay với 2 chiếc Boeing 737 đi thuê và khai thác các đường bay nội địa. Thời kỳ đỉnh cao, hãng khai thác khoảng 6 đường bay.
Tuy nhiên năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không giảm mạnh. Đến tháng 9/2009, hãng chỉ còn một chặng bay TP.HCM – Hà Nội. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.
Cục Hàng không đã rút giấy phép bay của Indochina Airlines do hãng ngừng khai thác quá lâu và cũng không có một động thái nào cho thấy hoạt động trở lại.
Air Mekong
Là hãng hàng không tư nhân thứ 3 thử sức tại thị trường Việt Nam, Air Mekong xuất phát sau hai đối thủ là Vietjet Air và Indochina Airlines khi tới tháng 10/2010 mới có chuyến bay thương mại đầu tiên.
Air Mekong có tên gọi chính thức là Công ty cổ phần hàng không Mê Kông, khởi đầu với đội bay gồm 4 chiếc Bombardier CRJ 900 đi thuê. Trong thời gian vận hành, hãng khai thác 8 điểm đến nội địa.
Năm 2012, lãnh đạo Air Mekong thừa nhận tình hình kinh tế èo uột nên kinh doanh khó khăn. Doanh thu năm 2012 của hãng cao hơn 7% so với 2011 nhưng cũng không sáng sủa.
Tháng 2/2013, “đàn sếu đầu đỏ” ngừng bay, trả lại 4 máy bay cho đối tác với lý do tái cơ cấu và tìm loại máy bay tốt hơn.
Đầu năm 2015, Bộ GTVT đã có quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cấp cho hãng.
<<<DU LỊCH CHÂU ÂU PHÁP – THỤY SĨ – Ý 10 NGÀY 9 ĐÊM>>>
Pacific Airlines
Pacific Airlines là hãng hàng không thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Hãng được thành lập năm 1991 bởi những cổ đông ban đầu bao gồm Cục hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên chiếm 86,49% cổ phần. Saigon Tourist với 13,06% cổ phần và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico) với 0,45% cổ phần. Tổng vốn của hãng lúc bấy giờ là 40 tỷ đồng.
Sau nhiều lần đổi chủ, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, đến năm 2007, Tập đoàn Qantas (Úc) đã đàm phán với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines, trở thành cổ đông chiến lược.
Nhờ khoản đầu tư từ Qantas, Pacific Airlines đã cắt lỗ, tái cơ cấu. Tuy nhiên theo yêu cầu từ phía Qantas, hãng đã phải đổi toàn bộ tên và logo thành Jetstar Pacific, trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Qantas tại châu Á.
Hiện Jetstar Pacific thuộc sở hữu của 2 cổ đông là Vietnam Airlines, đơn vị được giao phụ trách phần vốn của Cục hàng không dân dụng tại Pacific Airlines vào năm 1993, chiếm 70% cổ phần và Qantas chiếm 30% cổ phần.